top of page
  • Ảnh của tác giảThuy Tran Thi Ngoc

Kinh tế Việt Nam từ góc nhìn GDP

Trong phần tổng quát về các quốc gia thành viên, Ngân hàng thế giới (WB) giới thiệu Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công. Tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ gần 60% đầu những năm 1990 xuống 4.3% trong năm 2022. Tuổi thọ trung bình tăng từ 70.5 lên 75.5, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong trên 1000 trẻ giảm từ 32,6 xuống 16,7, và tỷ lệ người dân được dùng điện tăng từ 14% lên 99,4% trong cùng giai đoạn. Tuy nhiên, Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) mới là điểm sáng nhất trong câu chuyện thành công, tăng hơn 700% trong cùng giai đoạn, đưa Việt Nam từ một nước nghèo thành một nước có thu nhập trung bình, với một nền kinh tế năng động và đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Vậy GDP là gì và những thành quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua có thực sự là nổi bật so với các nước có điều kiện tương đồng?


GDP là gì?


Theo cách tính thứ nhất, GDP là tổng giá trị tăng thêm mà toàn nền kinh tế tạo ra trong một khoảng thời gian, thường là một năm hay một quý. Hãy chọn Phở, món ăn nhà văn Nguyễn Tuân gọi là quốc hồn quốc túy, để làm rõ khái niệm giá trị gia tăng. Để nấu món phở, nhà hàng phải mua nguyên liệu đầu vào, từ thịt bò, bánh phở, gia vị, rau thơm, rau ăn kèm, đến điện, nước,... . Giả sử chi phí đầu vào này chiếm 15.000 đồng mỗi bát, và một bát phở được bán với giá 30.000 đồng, thì phần chênh lệch giữa giá bán và chi phí đầu vào được gọi là giá trị tăng thêm. 15.000 đồng giá trị tăng thêm chính là đóng góp của một bát phở vào GDP. Trong năm 2022, nếu một nhà hàng mỗi ngày bán được trung bình 200 bát phở và mở cửa 365 ngày trong năm thì đóng góp của nhà hàng này vào GDP của Việt Nam năm 2023 là 1,08 tỷ đồng. GDP của Việt Nam trong năm 2022 chính là tổng giá trị tăng thêm tạo ra bởi tất cả các doanh nghiệp, hộ gia đình và các cơ quan chính phủ thông qua quá trình sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ công trong cả năm. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị này đạt mức 408,80 tỷ USD.


Theo cách tính thứ hai, GDP là tổng thu nhập tất cả các hộ gia đình trong một năm hay một quý. Quay lại với ví dụ nhà hàng phở. Với 1,08 tỷ đồng kiếm được sau khi trừ chi phí đầu vào, chủ nhà hàng phở phải trả công cho người lao động (thu nhập của người lao động, bao gồm cả chủ nhà hàng), phần còn lại được gọi là lãi, là thu nhập của chủ sở hữu nhà hàng. Chủ nhà hàng, người lao động sau khi nhận thu nhập, phải đóng thuế. Thuế là một phần thu nhập của người dân đóng cho nhà nước để nhà nước có nguồn lực cung cấp các dịch vụ công (an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, và dịch vụ hành chính công), đảm bảo nền kinh tế vận hành một cách ổn định. Theo cách này, GDP của Việt Nam trong năm 2023 là tổng thu nhập sau thuế của tất cả mọi người dân (bao gồm chủ sở hữu và người lao động) và tiền thuế nhà nước thu được trong năm, và hiển nhiên cũng bằng 408,80 tỷ USD.


Cuối cùng, GDP là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ cuối cùng sản xuất tại Việt Nam trong một khoảng thời gian một năm hay một quý. Hộ gia đình sử dụng thu nhập mình kiếm được vào hai mục đích: chi tiêu và tiết kiệm (để chi tiêu trong tương lai). Khi chi tiêu, họ mua hàng hóa và dịch vụ phục vụ cuộc sống. Khi tiết kiệm, nhất là tiết kiệm trong tài khoản, ngân hàng sẽ cho người khác vay để chi tiêu hoặc doanh nghiệp vay để đầu tư (xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị, mua hàng đầu vào). Trong khi đó, chính phủ sử dụng tiền thuế thu được (và có thể cũng vay từ hộ gia đình, doanh nghiệp thông qua trái phiếu) để chi tiêu. Như vậy tổng chi tiêu vào hàng hóa và dịch vụ cuối cùng cũng bằng tổng thu nhập nêu ở trên và cũng là một cách để đo lường GDP. Một lưu ý nhỏ trong cách đo này, GDP đo lường theo cách này chỉ bao gồm hàng hóa và dịch vụ cuối cùng, không tính giá trị hàng hóa trung gian nhằm tránh việc thống kê trùng lặp. Trong ví dụ về bát phở ở trên, GDP chỉ tính giá trị bát phở là 30.000 đồng, không tính giá trị nguyên liệu đầu vào 15.000 đồng, vì giá trị này đã được tính trong giá trị của bát phở. Một lưu ý nhỏ khác: thu nhập có được do bán tài sản được sản xuất từ trong quá khứ không được tính vào GDP vì tài sản đó không phản ánh giá trị tăng thêm mà nền kinh tế tạo ra trong kỳ thống kê.


Tóm lại, GDP bằng tổng số thu nhập sau thuế của hộ gia đình và thuế của chính phủ; bằng tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà nền kinh tế Việt Nam được sử dụng; và bằng tổng giá trị tăng thêm (giá trị mới) mà xã hội Việt nam đã tạo ra trong một khoảng thời gian. GDP phản ánh trực tiếp diễn biến thu nhập và khả năng tiêu dùng của người dân.



GDP theo USD và GDP theo đồng Đô la quốc tế?


Năm 2022, GDP của Việt Nam là 9,513 triệu tỷ đồng. Với tỷ giá 23.270 VND/USD, GDP của Việt Nam đạt 408,80 tỷ USD. GDP của Singapore cùng năm là 466,79 tỷ USD. Phải chăng người dân, doanh nghiệp và chính phủ Singapore sử dụng một lượng hàng hóa và dịch vụ lớn hơn toàn bộ hàng hóa và dịch vụ người dân và chính phủ Việt Nam sử dụng? Câu trả lời là không. Để so sánh một cách chính xác hơn, người ta phải sử dụng phương pháp ngang giá sức mua. Ví dụ, một căn hộ hai phòng ngủ tại Việt Nam có thể được thuê với giá 5 triệu đồng, tương đương 215 USD, theo giá và tỷ giá năm 2022. Tuy nhiên, một chỗ ở tương tự tại Singapore tốn thấp nhất khoảng 2.150 USD. Rõ ràng 215 USD ở Việt Nam mua được một dịch vụ (phòng ở) bằng 2.150 USD ở Singapore. Chúng ta cần hiệu chỉnh thước đo GDP khi so sánh thu nhập và mức sống giữa các quốc gia. Dịch vụ cho thuê nhà là một ví dụ điển hình về hàng hóa/dịch vụ không xuất-nhập khẩu được, thường có sự khác biệt lớn về giá giữa các quốc gia. Ngược lại, những hàng hóa có thể xuất-nhập khẩu được, ví dụ điện thoại thông minh, có giá cả đồng nhất hơn giữa các quốc gia.


WB là tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm hiệu chỉnh sự chênh lệch về giá đối với hàng hóa dịch vụ không thương mại hóa được giữa các quốc gia nhằm tính toán chỉ số GDP ngang giá sức mua. Trước hết, WB xây dựng một giỏ gồm hơn 3.000 hàng hóa và dịch vụ, phản ánh nhu cầu cuộc sống của một công dân điển hình. Tiếp theo, WB xác định chi phí để mua giỏ hàng hóa này tại các quốc gia khác nhau, trên cơ sở đó, tính tỷ giá ngang giá sức mua bằng chi phí để mua giỏ hàng hóa này tại mỗi quốc gia chia cho chi phí tương ứng tại Mỹ. Trong trường hợp của Việt Nam, nếu giỏ hàng hóa này tiêu tốn 9.512.776 VND (tương đương 408,8 USD), còn ở Mỹ giỏ hàng này tốn 1.321,25 USD, thì tỷ giá ngang giá sức mua là 7.199,83 (thay vì tỷ giá thị trường là 23.270). Như vậy, nếu GDP của Việt Nam theo tỷ giá thị trường năm 2022 là 408,8 tỷ USD, thì theo tỷ giá ngang giá sức mua, GDP của Việt Nam phải tương đương 1.321,25 tỷ Đô la quốc tế (con số này có thể được tính bằng cách lấy 9.13 triệu tỷ VND chia cho tỷ giá ngang giá sức mua là 7.199,83). Khi GDP được so sánh dựa trên sức mua, GDP của các nước nghèo thường tăng lên do nhiều hàng hóa, dịch vụ không xuất-nhập khẩu được tại các nước nghèo hơn thường rẻ hơn (dịch vụ cắt tóc, phòng trọ, hay dịch vụ ăn uống). GDP ngang giá sức mua thường được ký hiệu là GDP PPP (purchasing power parity, nhằm phân biệt với GDP dựa trên tỷ giá thị trường).


Đồ thị 1 trình bày sự phát triển của GDP của Việt Nam và 5 nước dẫn đầu trong ASEAN: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, và Singapore kể từ năm 1990 tới 2022. Biểu đồ bên trái cho thấy Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn 5 nước còn lại. Tuy nhiên, nhờ tốc độ tăng trưởng cao hơn, GDP của Việt Nam đã bằng và vượt các nước Malaysia và Philippines trong vài năm gần đây. Biểu đồ bên phải của Đồ thị 1 tiếp tục so sánh GDP của Việt Nam và các nước ASEAN-5 nhưng sử dụng GDP PPP. Do hàng hóa và dịch vụ không xuất-nhập khẩu được của Việt Nam rẻ hơn, GDP PPP của Việt Nam đã vượt mức GDP PPP của Philippines và Malaysia từ những năm giữa thập niên 2010. Xếp theo quy mô GDP PPP, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực ASEAN, chỉ sau Thái Lan và Indonesia. GDP PPP của Singapore giảm mạnh do chi phí đắt đỏ tại quốc gia này.


Đồ thị 1 cho thấy quy mô GDP của Việt Nam so với các nước ASEAN-5, nhưng chưa tính đến một nhân tố quan trọng: dân số. GDP PPP của Việt Nam lớn hơn Singapore nhưng Việt Nam có tới 100 triệu dân, trong khi dân số của Singapore chỉ là 5,6 triệu. Các chỉ số bình quân đầu người sẽ hữu ích hơn khi so sánh mức sống bình giữa các quốc gia. Đồ thị 2 trình bày hai chỉ số liên quan đến bình quân đầu người: GDP PPP bình quân đầu người, và mức tăng GDP PPP bình quân đầu người từ 1990 tới 2022 (sau khi đã loại bỏ tác động của lạm phát). Trên cơ sở giá hiện hành, GDP PPP bình quân đầu người của Việt Nam là 13.234 đô la quốc tế. Con số tương ứng của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines lần lượt là 82.807; 34.391; 21.153; 14.687 và 10.497. Như vậy, GDP PPP bình quân đầu người của Việt Nam tương đương Phillipines và Indonesia, nhưng chỉ bằng 60% của Thái Lan, 39% của Malaysia, và 16% của Singapore.



Đồ thị 2. GDP PPP bình quân đầu người của Việt Nam và ASEAN-5


Tuy nhiên, Biểu đồ bên phải của Đồ thị 2 trình bày một bức tranh khá ấn tượng về sức bật của Việt Nam trong hơn 30 năm qua. So với năm 1990, GDP PPP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 450%, nghĩa là mức sống của người dân Việt Nam năm 2022 tốt hơn 5,5 lần so với mức sống của thế hệ trước vào đầu những năm 1990. Con số tương ứng của Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia và Philippines lần lượt là 189%; 185%; 155%; 185% và 108%. Như vậy có thể thấy, dù Việt Nam vẫn còn kém Singapore và Malaysia tương đối xa về mức sống, chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc trong hơn 30 năm qua, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước.

Việt Nam trong bản đồ GDP khu vực



Đồ thị 3. Dự báo GDP PPP của Việt Nam và ASEAN-5 trong 5 năm tới


Bài viết xin khép lại bằng việc trình bày thêm một vài dựa báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về GDP của Việt Nam và các nước ASEAN-5 trong năm năm tới. Chuỗi số liệu sau đường kẻ đứng màu đỏ là số liệu dự báo. Có thể thấy IMF rất lạc quan về Việt Nam. Theo cơ quan này, GDP PPP của Việt Nam sẽ vượt Thái Lan trong vài năm tới, đưa Việt nam trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực. GDP PPP bình quân đầu người cũng sẽ tăng, đưa Việt nam vượt Indonesia, nhưng vẫn sẽ thấp hơn Thái Lan, Malaysia và Singapore một khoảng tương đối rộng. Việt Nam đã có một bước tiến dài trong nỗ lực nâng cao mức sống của người dân, nhưng con đường trước mắt sẽ còn rất dài và không kém phần thách thức. GDP không phải là một thước đo hoàn hảo về chất lượng cuộc sống, nhưng tăng trưởng kinh tế là tiền đề để có thêm thu nhập, để cải thiện cuộc sống theo cách mà chúng ta mong đợi.


Ts. Lê Văn Hà


27 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page